04-05-2023 - 12:21 PM Lượt xem: 1839
Nhiều ý kiến cho rằng ngành cơ khí được đầu tư rất ít, nhiều dự án lớn do tổng thầu nước ngoài làm, các chính sách hỗ trợ rất tốt nhưng chỉ... trên giấy...
|
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chưa đến được với doanh nghiệp. Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại doanh nghiệp VN (ảnh minh họa) - Ảnh: Cấn Dũng
|
Ngày 10-11, tại buổi lấy ý kiến về định hướng chiến lược phát triển ngành cơ khí VN do Bộ Công thương tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ngành cơ khí được đầu tư rất ít, nhiều dự án lớn do tổng thầu nước ngoài làm, các chính sách hỗ trợ rất tốt nhưng chỉ... trên giấy, nên mục tiêu đưa VN trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 khó trở thành hiện thực.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tăng Cường - giám đốc Công ty cơ khí Quang Trung - cho rằng sản xuất cơ khí phải có bảy bước: thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, nhiệt luyện, lắp ráp thử nghiệm và xuất xưởng, trong khi VN chỉ có mỗi khâu lắp ráp.
“Những khâu còn lại không quan tâm đầu tư thì làm sao thành công” - ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, nhiều chính sách hỗ trợ đã không đến được doanh nghiệp.
Chẳng hạn, muốn vay vốn ở Ngân hàng Phát triển VN, sau khi lập hồ sơ xong doanh nghiệp phải đi tới đi lui, điều chỉnh chỗ này chỗ kia đến 30-40 lần, làm mất thời gian, cơ hội, lại vừa tốn kém.
Tương tự, Thủ tướng yêu cầu các nhà máy nhiệt điện phải tăng cường nội địa hóa thiết bị trong nước, nhưng khi triển khai thì những đơn vị không có dây chuyền, công nghệ chế tạo lại được chọn, trong khi lẽ ra phải chọn những doanh nghiệp nào thiết kế được, biến sản phẩm thành hàng hóa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng - viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí VN - cho rằng sản phẩm cơ khí có hai loại hàng: loại vận hành theo quy luật thị trường (như máy bơm) và loại phải có bàn tay Nhà nước hỗ trợ, ví dụ như thiết bị nhà máy điện hạt nhân.
Chẳng hạn, sau khi Nhà nước có cơ chế để doanh nghiệp trong nước làm phần thiết bị thủy công cho thủy điện, đến nay doanh nghiệp VN đã làm được những dự án lớn và tự phát triển được.
“Vào TPP rồi, phải làm rất rõ cái gì sẽ hỗ trợ, cái đó mới là chiến lược, chứ viết chung chung ai cũng viết được, tác dụng không nhiều” - ông Sáng nói.
Ông Trần Văn Quang - chủ tịch HĐQT Công ty CP thiết bị điện Đông Anh - cho rằng do chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chưa đủ mạnh nên chủ trương dễ thành... khẩu hiệu. Theo ông Quang, Luật đấu thầu 2014 cho phép cộng thêm điểm với 7,5% với các sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% khi đấu thầu quốc tế, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn không thắng thầu được do lãi vay ngân hàng ở VN thấp nhất cũng 8-9%, trong khi tại các nước chỉ 0,5 - 3%.
Do đó, ông Quang đề nghị “nên cộng thêm điểm cho sản phẩm đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa lên 15%, thay vì 7,5% như hiện nay”.
Ngoài ra, ngay cả dự án dùng vốn vay, các bộ ngành phải thương thảo, buộc nhà thầu nước ngoài để doanh nghiệp VN làm với những sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được, với tỉ lệ nội địa hóa nhất định.
Nhập trên 26 tỉ USD thiết bị cơ khí/năm
Công bố tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn - vụ phó Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương - cho biết trong năm 2014, VN đã nhập hơn 26,5 tỉ USD sản phẩm cơ khí, tăng mạnh so với con số 22,4 tỉ USD của năm 2012 và gấp ba lần so với năm 2006.
Theo ông Tuấn, nhiều sản phẩm cơ khí buộc phải nhập với giá cao do trong nước chưa sản xuất được. Ngược lại, khi trong nước sản xuất được, sản phẩm nhập khẩu cũng giảm mạnh.
Cụ thể, khi VN sản xuất được máy biến áp 220kV, các hãng nước ngoài đã giảm giá ngay 20-30%.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, nhiều gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí cho dự án lớn lại do chính nhà thầu nước ngoài thu xếp vốn, nên việc lựa chọn nhà thầu do nhà tài trợ vốn quyết định.
Ngay cả dự án dùng vốn trong nước, nhiều chủ đầu tư cũng không tạo điều kiện cho nhà thầu VN do chưa có quy định chế tài.
|
Chat Zalo
Chat Messenger